Những ngày này Meta – công ty mẹ Facebook và ông chủ Mark Zuckerberg đang gặp liên tiếp nhiều sự cố. Đầu tiên là hồi đầu tháng, cổ phiếu Meta đã giảm 26% sau khi báo cáo kết quả lợi nhuận tồi tệ. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy không có sự tăng trưởng về người dùng Facebook hàng tháng trong quý trước so với giai đoạn trước đó, làm dấy lên lo ngại về sự tăng trưởng trong tương lai của công ty. Kết quả là, khoảng 251,3 tỷ USD giá trị thị trường của công ty đã bị thổi bay. Đó là mức giảm giá trị thị trường lớn nhất đối với bất kỳ công ty Mỹ nào từ trước đến nay.
Các nhà phân tích chỉ ra sự cạnh tranh gay gắt mà Meta hiện phải đối mặt từ các đối thủ kết hợp với thực tế doanh thu thấp hơn kỳ vọng là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư lo ngại. Michael Nathanson, một nhà phân tích tại công ty môi giới Moffett Nathanson, đặt tiêu đề cho bài đăng của mình là "Facebook: Sự khởi đầu của kết thúc?".
"Những vết cắt này rất sâu", ông viết.
Tiếp đó đến giữa tháng, Meta tiếp tục ở trong tâm bão chỉ trích khi cho biết họ đang xem xét đóng cửa Facebook và Instagram ở châu Âu nếu không thể tiếp tục chuyển dữ liệu người dùng trở lại Mỹ.
Cụ thể, người khổng lồ truyền thông mạng xã hội đã đưa ra cảnh báo này trong báo cáo thường niên vào thứ năm tuần trước.
Các cơ quan quản lý ở châu Âu hiện đang soạn thảo luật mới quy định cách dữ liệu người dùng của công dân EU được chuyển qua Đại Tây Dương.
Facebook cho biết: "Nếu một khuôn khổ truyền dữ liệu xuyên Đại Tây Dương mới không được thông qua và chúng tôi không thể tiếp tục dựa vào các SCC (các điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn) hoặc dựa vào các phương tiện truyền dữ liệu thay thế khác từ châu Âu đến Mỹ, chúng tôi sẽ không thể để cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ quan trọng nhất của chúng tôi, bao gồm Facebook và Instagram ở Châu Âu".
Công ty nói thêm điều này "sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và bất lợi đến hoạt động kinh doanh, tình trạng tài chính và kết quả hoạt động của chúng tôi".
"Meta không thể chỉ đe doạ EU và từ bỏ các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu", nhà lập pháp châu Âu Axel Voss cho biết qua Twitter và nói thêm rằng "việc rời khỏi EU sẽ là mất mát của họ". Voss trước đây đã viết một số luật bảo vệ dữ liệu của Liên minh Châu Âu.
Sự việc đã khiến làn sóng tẩy chay Facebook diễn ra ở rất nhiều nơi, kể cả bên ngoài châu Âu. Tuy nhiên, giông bão vẫn chưa dừng lại.
Ngày hôm qua, Google đã đưa ra thông báo khiến Facebook và các nhà quảng cáo trên nền tảng này lo lắng. Cụ thể, gã khổng lồ tìm kiếm sẽ chuẩn bị giới thiệu các thay đổi về quyền riêng tư đối với việc theo dõi hành vi người dùng trên Android.
Ông Anthony Chavez, phó chủ tịch quản lý sản phẩm của Google cho biết: "Hôm nay chúng tôi thông báo một khởi đầu trong nhiều năm tới với mục tiêu giới thiệu các giải pháp quảng cáo mới, đảm bảo quyền riêng tư người dùng hơn".
Theo CNBC, Google đang phát triển các giải pháp thay thế tập trung vào quyền riêng tư mới cho ID quảng cáo của mình. Đây là một chuỗi ký tự duy nhất xác định thiết bị của người dùng và có thể giúp các công ty theo dõi và chia sẻ thông tin về người dùng.
Giống thay đổi của Apple, thay đổi của Google về quyền riêng tư trên Android sẽ "giới hạn việc chia sẻ dữ liệu người dùng với các bên thứ ba và hoạt động mà không cần mã nhận dạng chéo trên các ứng dụng".
Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến các công ty lớn vốn dựa vào việc theo dõi người dùng trên các ứng dụng, như Meta – công ty mẹ của Facebook. Trước đó, những điều chỉnh tương tự của Apple trên iOS đã ảnh hưởng đặc biệt đến Meta. Đầu tháng này, Meta cho biết chúng sẽ làm mất đi khoảng 10 tỷ USD doanh thu từ quảng cáo của họ trong năm nay.
Tin tức trên đã góp phần thổi bay hơn 230 tỷ đôla khỏi vốn hóa thị trường của công ty chỉ trong một ngày. Tháng 6 năm ngoái, Meta có giá trị thị trường hơn 1.000 tỷ USD nhưng thời điểm hiện tại, con số này ở mức dưới 600 tỷ USD, không còn trong top 10 công ty lớn nhất thế giới.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là liệu Facebook nói chung và CEO Mark Zuckerberg nói riêng có đang bị "đánh hội đồng"? Trên thực tế, Zuckerberg không có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều lãnh đạo big tech ở thung lũng Silicon.
Tim Cook chỉ thẳng mặt là "kẻ kiêu ngạo"
Một nguồn tin cho biết, mối quan hệ giữa 2 vị CEO Apple và Facebook ngày càng trở nên lạnh nhạt. Trong khi Zuckerberg từng đi dạo và ăn tối với Steve Jobs, người đồng sáng lập quá cố của Apple, anh ấy không làm như vậy với Cook. Cook thường xuyên gặp Larry Page, người đồng sáng lập Google, nhưng ông và Zuckerberg hiếm khi gặp nhau tại các sự kiện như hội nghị Allen & Company.
Hai người thậm chí còn không ngại va chạm. Vào năm 2017, một công ty ở Washington được tài trợ bởi Facebook và các đối thủ khác của Apple đã xuất bản các bài báo nặc danh chỉ trích Cook. Và khi Cook được MSNBC hỏi vào năm 2018 rằng ông sẽ giải quyết các vấn đề về quyền riêng tư của Facebook như thế nào nếu ở vị trí của Zuckerberg, ông đã trả lời: "Tôi sẽ không ở trong tình huống này".
Apple và Facebook thì đều từ chối để Cook và Zuckerberg cùng tham gia phỏng vấn và cho biết những người đàn ông này không có thù hận cá nhân với nhau.
Cook và Zuckerberg gặp nhau lần đầu tiên cách đây hơn một thập kỷ, khi Cook chỉ là "người quan trọng số 2" tại Apple còn Facebook mới chỉ là một công ty khởi nghiệp.
Vào thời điểm đó, Apple coi Facebook như một hàng rào chống lại Google, gã khổng lồ tìm kiếm đã mở rộng sang lĩnh vực phần mềm điện thoại di động với Android, một cựu giám đốc điều hành của Apple cho biết. Vào khoảng năm 2010, Eddy Cue, người lãnh đạo các dịch vụ kỹ thuật số của Apple, đã tìm đến Zuckerberg cho một mối quan hệ đối tác phần mềm tiềm năng.
Trong các cuộc họp sau đó, Zuckerberg nói rằng Apple phải mang lại nhiều lợi ích cho mối quan hệ đối tác mà họ đề cập, nếu không Facebook sẽ sẵn sàng làm một mình. Nguồn tin tiết lộ, thái độ này khiến một số giám đốc điều hành của Apple cảm thấy Zuckerberg là người quá kiêu ngạo.
Elon Musk ghét cay ghét đắng
Trong vòng 4 năm qua, Elon Musk và Mark Zuckerberg đã "khẩu chiến" với nhau mọi thứ từ trí thông minh nhân tạo tới tên lửa.
2 ông trùm – một là chủ Tesla và SpaceX, người còn lại sở hữu Facebook vốn không che đậy hiềm khích giữa 2 người. Khi một tên lửa của SpaceX bốc cháy, phá hủy một vệ tinh Facebook vào năm 2016, Zuckerberg đã đăng tải một tuyên bố nói rằng ông thật sự "thất vọng" về sai lầm của SpaceX. Và khi Facebook vướng vào bê bối lộ dữ liệu Cambridege Analytica, Musk đã công khai xóa trang Facebook của Tesla, SpaceX và nói rằng Facebook khiến ông "ghê sợ".
Cả Elon Musk và Mark Zuckerberg hiện đều là những tỷ phú giàu có nhất trên hành tinh vì vậy những tranh cãi giữa họ tạo ra một tình huống đặc biệt, bất chấp những tiêu chuẩn của thung lũng Silicon. Mặc dù sự thật là cả 2 người đều có mối quan tâm tới trí thông minh nhân tạo và công ty của họ cũng từng hợp tác trong quá khứ nhưng dường như giữa Musk và Zuckerberg chưa bao giờ "hòa thuận".
Sau khi đồng sáng lập WhatsApp là Brian Acton đăng tải dòng tweet kèm hashtag #deletefacebook: "Đã đến lúc xóa facebook rồi". Musk trả lời ngay lập tức: "Facebook là cái gì vậy?".
Một người hâm mộ đã hỏi Musk rằng liệu ông có xóa trang Facebook của SpaceX không, Musk nói: "Tôi còn không biết là nó tồn tại. Tôi sẽ xóa ngay".
Sau khi một fan khác chỉ ra rằng Tesla cũng có trang Facebook, Musk nói luôn: "Thật tệ".
Ngay sau đó, cả trang Facebook của SpaceX và Tesla đều biến mất.
Sau tất cả, Facebook rời top 10 công ty giá trị nhất thế giới, Mark Zuckerberg ra khỏi danh sách 10 tỷ phú giàu nhất hành tinh